Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Không còn lo nợ xấu Habubank mãi bền vững

Thừa nhận một số điểm yếu, Habubank kỳ vọng việc sáp nhập với ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) sẽ giúp hai ngân hàng hỗ trợ lẫn nhau để hình thành một định chế tài chính vững mạnh.

Điểm mạnh của Habubank được thông tin ngắn gọn: có hệ thống quy trình, quy chế hoạt động tương đối hoàn thiện và có đội ngũ quản lý nòng cốt có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn; có hệ thống gọn nhẹ, linh hoạt nên dễ dàng trong việc tái cấu trúc hoạt động.


Đánh giá về đối tác, Habubank cho rằng, SHB cũng tồn tại một số điểm yếu, như quy mô hoạt động ở mức trung bình và chưa có bề dày hoạt động; cơ cấu quản trị doanh nghiệp chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của ngân hàng; cơ cấu bảng cân đối kế toán vẫn tập trung nhiều vào hoạt động tín dụng; chi phí hoạt động cao so với tổng nguồn thu của ngân hàng…

Tuy nhiên, SHB cũng có nhiều thế mạnh, trong đó nổi bật như: có nền tảng mạnh mẽ có thể hỗ trợ cho sự phát triển bền vững; có định hướng phát triển rõ ràng qua từng giai đoạn phù hợp với năng lực ngân hàng; có mạng lưới rộng khắp; đội ngũ lãnh đạo có năng lực và cam kết lâu dài vì sự phát triển bền vững của ngân hàng và đặc biệt là nhận diện thương hiệu tốt.


Nếu được cổ đông thông qua việc sáp nhập, Habubank kỳ vọng sẽ tạo ra một định chế tài chính có khả năng tồn tại và phát triển có vốn điều lệ khoảng gần 9.000 tỉ đồng và quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỉ đồng, hoạt động khắp các tỉnh thành lớn trong cả nước; có số lượng khoảng 500.000 khách hàng, 5.000 nhân viên; có các công ty con, có khả năng cung cấp các hoạt động hỗ trợ, gia tăng lợi ích cho khách hàng và tăng thu nhập ngoài lãi cho ngân hàng.

Dự kiến, các chủ sở hữu cổ phiếu của Habubank sau khi sáp nhập vào SHB sẽ được hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1 cổ phần Habubank bằng 0,75 cổ phần SHB. Sau khi sáp nhập, nhân sự cấp cao của ngân hàng mới sẽ được rút gọn, còn bảy thành viên HĐQT (hiện mỗi ngân hàng có sáu thành viên HĐQT)... Riêng cán bộ công nhân viên vẫn được giữ nguyên.

Phương án trình đại hội cổ đông cũng nêu rõ, ngân hàng sáp nhập sẽ phải xây dựng và triển khai một kế hoạch hành động nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các bên. SHB sau sáp nhập vẫn giữ nguyên vốn điều lệ 8.866 tỉ đồng (của hai ngân hàng gộp lại), song đặt kế hoạch tăng tổng tài sản lên gần 150.000 tỉ đồng trong năm tới (hiện hơn 123.000 tỉ đồng) và tiếp tục đạt hơn 180.000 tỉ đồng trong năm 2014. Tỷ lệ an toàn vốn từ 13,22% hiện tại xuống còn lần lượt 10,44% và 10,78% trong hai năm kế tiếp. Nguồn vốn huy động hiện hơn 84.000 tỉ đồng dự kiến tăng lên hơn 104.000 tỉ đồng và hơn 130.000 tỉ đồng. Dư nợ cho vay hiện trên 51.000 tỉ đồng sẽ tăng lần lượt là hơn 63.000 tỉ đồng và hơn 78.000 tỉ đồng. Nợ xấu giảm từ mức 3,2% hiện nay xuống còn 2,4% trong hai năm 2013 và 2014…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét