Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Habubank là đối tác mà SHB tìm đến

"Thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về tái cấu trúc ngành ngân hàng, SHB đang trong quá trình tìm kiếm một vài đối tác để nhận sáp nhập vào SHB nhằm nâng cao tiềm lực, mở rộng quy mô, hướng đến trở thành một trong những ngân hàng hiện đại, đa năng hàng đầu của Việt Nam và trong khu vực", thông tin chính thức phát đi từ hội sở SHB cuối ngày 13/3 nói.


Cũng như trao đổi với Dân trí trước đó, tin nói rằng việc thực hiện sáp nhập phải có sự chấp thuận của NHNN và các cơ quan chức năng liên quan.

SHB vừa được NHNN xếp loại nhóm 1, nhóm có năng lực tài chính lành mạnh và được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17%. Nhà băng này cho biết việc họ tìm kiếm đối tác để nhận sáp nhập là phù hợp với chủ trương và sự khuyến khích của NHNN.

Cũng liên quan đến thông tin SHB tiến hành mua lại Habubank, cuối chiều 13/3 NHNN đã lên tiếng, cho biết hiện cơ quan này chưa nhận được báo cáo và đề nghị của SHB và  Habubank  về việc mua lại, hợp nhất hay sáp nhập.

"Chủ trương sáp nhập, hợp nhất và hợp tác giữa các ngân hàng thương mại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án tái cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 nhằm nâng cao năng lực tài chính và hoạt động của từng ngân hàng, cũng như tạo sự an toàn và phát triển lành mạnh cho cả hệ thống.

Quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng sẽ được NHNN và các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ. Vì vậy, quyền lợi hợp pháp của người dân gửi tiền, tài sản của Nhà nước và của nhà đầu tư luôn được đảm bảo", NHNN tái khẳng định.

>> Habubank không ngừng cố gắng
>> Habubank và SHB 2 ngân hàng tự nguyện sáp nhập đầu tiên

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Habubank và SHB đi được 1/3 chặng đường sáp nhập

Cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHS) và Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội – Habubank (HBB) đều tăng sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nguyên tắc việc sáp nhập. Tuy nhiên, xu hướng đi lên khá mong manh.

Cổ phiếu SHB tăng nhẹ từ 9.200 đồng/cổ phiếu lên 9.300 đồng/cổ phiếu trong phiên ngày 15/6, tức là ngay tại thời điểm có quyết định chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Cùng trong phiên giao dịch này, cổ phiếu HBB cũng tăng nhẹ 100 đồng/cổ phiếu. Tiếp đó, trong phiên đầu tuần này, hai cổ phiếu trên cũng vẫn tiếp tục duy trì trạng thái tăng điểm nhẹ. Trong phần lớn thời gian giao dịch, giá cổ phiếu Habubank đều duy trì ở mức  5.200 đồng/cổ phiếu, cao hơn 100 đồng so với giá tham chiếu, còn SHB cũng duy trì ổn định quanh mốc 9.400 đồng/cổ phiếu và cũng cao hơn 100 đồng so với giá đóng cửa phiên trước.

Tuy nhiên, trong cán cân chung trên thị trường, áp lực giảm giá vẫn đè khá nặng lên các cổ phiếu này, đặc biệt là cổ phiếu Habubank, khi lượng cung ở mức giá cao chiếm khối lượng khá lớn, tới gần 2 triệu cổ phiếu ở mức giá trần vào cuối phiên giao dịch.

Thời gian qua, sự kiện Habubank sáp nhập vào SHB gây khá nhiều sự quan tâm của giới đầu tư và cổ phiếu của 2 ngân hàng này cũng tăng giảm thất thường theo từng giai đoạn khác nhau.

Trong thời điểm thông tin về kế hoạch sáp nhập vẫn chưa được công bố chính thức, cổ phiếu của 2 ngân hàng này đã có những biến động khá bất thường. Trong một khoảng thời gian ngắn, từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3/2012, cổ phiếu HBB đã tăng chóng mặt, từ mức 4.400 đồng/cổ phiếu lên đến 7.500 đồng/cổ phiếu. Sau đó về dao động quanh mốc 7.000 đồng/cổ phiếu, cho đến đầu tháng 5 thì lại tuột dốc khá nhanh để lùi về mốc 5.200 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Tương tự, cổ phiếu SHB cũng diễn biến thăng trầm trong thời điểm chưa có thông tin chính thức nào được đưa ra. Giai đoạn từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 3/2012, cổ phiếu SHB tăng một mạch từ mốc 6.000 đồng/cổ phiếu lên 11.000 đồng/cổ phiếu.  Sau khi 2 ngân hàng chính thức tuyên bố thông tin về kế hoạch sáp nhập, cổ phiếu SHB chỉ dao động lình xình rồi có xu hướng giảm nhẹ thời gian gần đây và hiện đang quanh mốc 9.200 đồng/cổ phiếu.

Trao đổi về kế hoạch hai ngân hàng sẽ thực hiện để chuẩn bị cho việc sáp nhập, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT của SHB cho biết, việc sáp nhập này  hoàn toàn tự nguyện với tiêu chí lợi ích của các cổ đông luôn được đặt lên hàng đầu. HĐQT hai ngân hàng cũng đã có kế hoạch trích lập 5 năm đối với các khoản nợ và Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận chủ trương này.

Trước thời điểm sáp nhập, những khó khăn của Habubank đều đã được các bên đưa ra phân tích khá kỹ lưỡng. Theo đó, các khoản vay từ nhóm khách hàng Vinashin đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của Habubank, nhất là với chi phí vốn ngày càng cao, hệ quả là kết quả tài chính và chất lượng tài sản có từ năm 2011 và đến nay bị suy giảm rất nhiều. Ngoài ra, với quy mô và khả năng hiện tại, Habubank sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển thị trường và có thể yếu thế trong quá trình cạnh tranh khi các đối thủ cạnh tranh cũng đang đẩy mạnh hoạt động hợp nhất/sáp nhập để vươn tới tầm khu vực.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hiển, dù có những khó khăn trước mắt, nhưng Habubank vẫn là một ngân hàng có nhiều thế mạnh. “Do đó, khi nhà đầu tư nhìn vào Habubank, họ đánh giá không chỉ vào vấn đề tài chính, mà đánh giá cả tài sản vô hình khác”, ông Hiển nói.

>> Mờ nợ xấu - Thương vụ sáp nhập hoàn tất giai đoạn 1
>> Nợ xấu của Habubank đã được giải trừ